Chuỗi giá trị cà phê Arabica và những khúc xương

Chuỗi giá trị cà phê chè (Arabica) bắt đầu từ nông dân và sản phẩm họ tạo ra là cà phê quả tươi. Ở một số vùng (1), sản phẩm này được bán cho đại lý thu gom cho các nhà máy, sau đó cà phê quả tươi được chế biến thành cà phê thóc. Một số vùng khác (2), nông dân tự chế biến thành cà phê thóc rồi bán (hoặc ký gửi) cho các đại lý. Những người xuất khẩu sẽ thu mua, xát vỏ thóc, sàng lọc, phân loại cafe nhân rồi xuất theo những hợp đồng đã ký trước đó. Ở nhánh (1) cà phê nhân thường được xuất thẳng ra nước ngoài. Ở nhánh (2) một số lượng nhất định được bán cho các nhà rang xay nội địa. Những sản phẩm loại thải của nhánh 1 và phần loại thải xuất khẩu ở nhánh 2 cũng được bán cho các nhà rang xay nội địa.

Cũng như bất cứ chuỗi giá trị ngành hàng nông sản nào khác, phần giá trị gia tăng nhỏ nhất luôn thuộc về người nông dân. Giá cả lên xuống, điệp khúc được giá mất mùa và ngược lại vẫn được lặp hết năm này qua năm khác. Và vì thế, cũng giống như bất cứ tác nhân nào trong chuỗi, người nông dân muốn có thêm lợi nhuận. Ở nhánh thứ nhất ra cà phê thóc, người nông dân bán thẳng quả tươi cho nhà máy, sản phẩm sau khi xuất khỏi tay họ không còn thuộc về họ nữa. Họ một mặt cố gắng tăng lợi nhuận bằng cách ngâm nước, để lẫn tạp chất. Mặt khác cố gắng giảm chi phí bằng cách tăng sản lượng thu hái (tuốt quả thay vì hái từng quả) để giảm ngày công. Kết quả là các nhà máy phải đầu tư nhiều thêm các công nghệ tách lọc quả xanh, quả lỗi để lấy quả chín chế biến xuất khẩu. Tất nhiên phần xanh, nổi, lỗi kia vẫn sẽ được chế biến và thị trường nội địa chính là nơi nó đến. Nhưng ngay cả những công nghệ này cũng không tách nổi những quả đã được ngâm nước khiến chất lượng cà phê nhân giảm sút.

Ở nhánh thứ hai người nông dân tự chế biến thành cà phê thóc. Vì chế biến cho chính hộ gia đình nên người nông dân không cần phải ngâm cà phê quả tươi xuống nước cho nặng cân nữa. Họ sẽ chăm sóc tốt hơn cho sản phẩm cuối cùng của gia đình. Mặc dù điều này cũng không nhiều vì giá bán được áp chung nếu cafe của họ chất lượng có cao hơn nhiều thì giá họ được nhận cũng không cao hơn ở mức tương xứng với chi phí bỏ ra. Điểm yếu lớn nhất của nhánh này là chi phí đầu tư máy móc, thiết bị đồng bộ quá lớn. Những gì họ có thể đầu tư thường chỉ là máy "cóc" nhỏ cấp hộ gia đình, và xây một bể lên men (có hộ gia đình còn không xây). Rồi tận dụng đường nhựa, sân, hoặc các bãi đất rộng để phơi. Sản xuất nhỏ tất yếu dẫn tới thiếu đồng bộ và thiếu quy chuẩn về chất lượng. Quy trình, thời gian lên men, thời gian phơi nắng, độ ẩm,... sẽ rất khác nhau qua mỗi mẻ chế biến trong từng hộ gia đình chứ chưa nói tới từ hộ này sang hộ khác. Cà phê cho các nhà rang xay nội địa thường được lấy ra từ nhánh này.

Gộp cả hai nhánh này, cà phê thóc được đưa tới các nhà xuất khẩu. Tại đây, hoạt động tạo giá trị gia tăng gồm có xát vỏ thóc, phân loại, loại bỏ đen, vỡ, đóng bao và xuất khẩu. Những sản phẩm chất lượng xấu không đủ tiêu chuẩn xuất khẩu được cung cấp lại thị trường nội địa.

Trong chuỗi giá trị cà phê, vòng quay vốn càng về đầu chuỗi càng chậm. Người nông dân thường bỏ vốn mua phân bón vào các tháng 4, tháng 7, và thu hồi vào tháng 12 hoặc tháng 1 năm sau, sau khi các đại lý đã trả tiền cho họ. Các nhà máy thường bỏ tiền thu mua cà phê để chế biến trong giai đoạn thu hoạch tháng 10-12 và thu tiền về sau khi thực hiện việc bán hàng thường vào tháng 2-3 hoặc sau khi xuất khẩu, tùy theo kỳ hạn tháng 5, 7, 9 hay 11... Chỉ có những tác nhân ở cuối chuỗi, những người rang, xay, bán quán mới có tốc độ vòng quay vốn lớn hơn.

Vì tốc độ vòng quay vốn ở đầu chuỗi chậm, những người kinh doanh cà phê thường tránh các giai đoạn này. Các nhà máy thích giao hàng, ghi sổ và cuối vụ mới thực hiện thanh toán. Họ thậm chí thích nợ tới tận năm sau để đảm bảo nguồn hàng được cung cấp. Nhiều người xuất khẩu không thích đầu tư vào nhà máy chế biến mà thực hiện việc gom hàng từ các đại lý có cà phê thóc sản xuất bởi hộ gia đình (nhánh 2). Điều này càng đẩy tốc độ quay vòng vốn ở đầu chuỗi chậm hơn nữa. Lẽ ra toàn chuỗi giá trị cần có sự liên kết chặt chẽ, có trách nhiệm để đảm bảo chất lượng sản phẩm cuối cùng tốt nhất, bán với giá cao nhất thì thực tế đang xảy ra lại là mỗi tác nhân trong chuỗi cố gắng thu được nhiều lợi nhuận nhất từ những mắt xích trước và sau họ. Kết quả là, giá cà phê nhân xuất khẩu của Việt nam luôn thấp hơn giá tham chiếu trên sàn giao dịch quốc tế. Và người uống cafe ở Việt nam thật khó để có thể được uống cốc cafe có chất lượng cao nhất mà hạt cafe có thể mang lại. 

Ai dám bỏ tiền đầu tư cùng nông dân để chấp nhận vòng quay vốn 1 lần mỗi năm để bù lại họ nhận được sản phẩm cà phê nhân chất lượng cao nhất phục vụ cho khách hàng? Rất ít, vô cùng ít! Tại sao người rang xay phải làm điều đó trong khi họ có thể mua cafe nhân trên sàng 18, 16,... ở các đại lý rang xong rồi bán, thu tiền về rồi lại mua, lại rang và bán? Tại sao người ta lại nên bỏ tiền đầu tư cùng nông dân từ trồng trọt, chăm sóc, chế biến,... đầu tư thiết bị máy móc đồng bộ để rồi chấp nhận thua lỗ, không lợi nhuận trong nhiều năm và giảm lợi nhuận trong nhiều năm sau nữa vì dám tham gia ở giai đoạn mà tiền chỉ quay được có một vòng mỗi năm khi mà có phải tất cả khách hàng đều có thể nhận biết được sự vượt trội về chất lượng cafe so với cách làm khác? Một câu trả lời thỏa đáng nhất cho điều này là sự gắn kết một cách có trách nhiệm và san sẻ lợi ích (cũng như rủi ro) giữa mọi tác nhân trong chuỗi. Và chỉ có điều này mới có thể mang về những sản phẩm cà phê có chất lượng cao nhất và ổn định nhất.